Выбрать главу

Cũng như mọi cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, ở đây các bạn sẽ gặp những cái mới lạ về khoa học và kỹ thuật, cũng như những chuyện phiêu lưu ly kỳ: hành tinh Diếc-đa bị hủy diệt do việc sử dụng các chất phóng xạ một cách bừa bãi, đoàn thám hiểm vũ trụ số ba mươi bảy bị Ngôi sao sắt bắt cóc, việc tìm thấy con tàu vũ trụ «Cánh buồm» mất tích từ tám mươi năm về trước và việc khám phá ra con tàu vũ trụ lạ, từ một thế giới xa xăm tới, những con sứa điện và những cây thập tự giết người trên hành tinh đen.v.v..

Nhưng mặc dù có tính chất khoa học nghiêm chỉnh, có tầm khái quát xã hội rộng lớn, «Tinh vân Tiên nữ» không phải là cuốn sách phổ biến khoa học hay nghiên cứu xã hội học, cũng không phải truyện «phiêu lưu mạo hiểm» hấp dẫn, mà là một tác phẩm văn học lớn. Và cũng như mọi tác phẩm văn học có giá trị, vấn đề trung tâm mà nó đề cập tới là con người, những việc làm, tình cảm, cách xử sự của con người, những va chạm giữa các cá tính, các quan điểm, nguyện vọng trong hoàn cảnh khác thường, khiến cho những đặc điểm cá tính càng nổi bật, những va chạm càng căng thẳng…

Tất cả các nhân vật trong tác phẩm này đều là những nhà bác học, những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật (sản xuất vật chất cũng đã trở thành một hoạt động khoa học). Đấy là Éc-gơ No-rơ, trưởng đoàn thám hiểm số 37, là Mơ-ven Ma-xơ, chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất, là Vê-đa Công, nhà nữ bác học khảo cổ xinh đẹp…

Giữa những người ấy vẫn có những quan hệ và tình cảm bình thường của con người: yêu đương, cãi cọ, giận hờn, đau buồn, tiếc thương… Nhưng những xung đột giữa các nhân vật không xoay quanh các quan hệ cá nhân, mà xoay quanh việc tìm kiếm con đường tốt nhất để đi đến chân lý. Trong việc tìm kiếm đó, họ không sợ mạo hiểm, không sợ hy sinh, không sợ trách nhiệm. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá việc làm của họ là: việc làm đó phục vụ như thế nào cho hạnh phúc loài người. Mơ-ven Ma-xơ, chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất đã cùng với nhà Vật lý Ren Bô-dơ tiến hành một thí nghiệm vĩ đại nhằm khắc phục không gian và thời gian. Thí nghiệm thất bại, vệ tinh số 57 bị hủy diệt cùng với tất cả những người làm việc tại đó.

Trước Hội đồng du hành vũ trụ. Mơ-ven Ma-xơ trình bày nguyên nhân nội tâm thôi thúc anh làm thí nghiệm ấy: «Anh kể lại rằng từ thuở mới trưởng thành, anh đã cảm thấy sự trách móc của hàng triệu nấm mồ vô danh của những người bị thời gian khắc nghiệt đánh bại. Anh cảm thấy không thể nào yên tâm được nếu lần đầu tiên trong suốt lịch sử loài người và lịch sử các thế giới lân cận, anh không bước một bước trên con đường chiến thắng không gian và thời gian, không đặt dấu mốc đầu tiên trên con đường ấy… Anh thấy mình không có quyền để cho thí nghiệm bị đẩy chậm lại, có thể là chậm lại một trăm năm, chỉ cốt tránh cho một số ít người khỏi bị nguy hiểm, và cho mình khỏi phải chịu trách nhiệm». Thí nghiệm tuy chưa thành công và có gây ra thiệt hại, nhưng nó mở ra một con đường mới, như một nhân vật là Đa-rơ Vê-te đã nghĩ: «Đa-rơ Vê-te khâm phục tư tưởng táo bạo của Ren Bô-dơ và Mơ-ven Ma-xơ. Dù cho thí nghiệm của họ không thành công, dù cho vấn đề họ nêu ra — cái vấn đề đụng chạm đến nền tảng của vũ trụ — còn xa mới giải quyết được, dẫu rằng vấn đề ấy chỉ là một điều hoang tưởng sai lầm đi nữa, thì những con người điên rồ ấy vẫn là những bậc khổng lồ của tư tưởng sáng tạo của loài người bởi vì ngay cả trong việc tìm cách bác bỏ lý thuyết và thí nghiệm của họ, nhân loại cũng sẽ đi tới một bước nhảy vọt trong việc tìm kiếm kiến thức». Tác giả muốn nói với ta rằng sự điên rồ của hai nhà bác học này là «sự điên rồ của những người dũng cảm», như M.

Goóc-ki đã viết trong «Bài ca chim ưng». Đối lập với Mơ-ven Ma-xơ, nhà bác học có bản chất tình cảm phong phú, Bét Lon là «một trí tuệ tài giỏi, phát triển thái quá đến mức chèn lấn cả sự phát triển của nền tảng đạo đức và sự tự kiềm chế». Bét Lon cũng làm một thí nghiệm bị cấm, và thí nghiệm cũng thất bại, gây tổn hại lớn. Hai trường hợp bề ngoài giống nhau, nhưng khác nhau biết bao nhiêu! Một bên là hành động xuất phát từ ý thức trách nhiệm đầy đủ đối với sự tiến bộ của của khoa học, của loài người, một bên là hành động ích kỷ, ương bướng, xuất phát từ động cơ tự ái cá nhân. Ở đây, ta thấy tác giả bảo vệ việc những người đi tìm cái mới được quyền mắc sai lầm. Lịch sử phát triển của khoa học không phải là một chuỗi những thành công, mà còn gắn liền với những sai lầm, những thất bại. Và trong tương lai, công cuộc tìm kiếm những con đường nhận thức mới không thể tránh khỏi sai lầm. Điều quan trọng là ý thức trách nhiệm đầy đủ của nhà bác học, là «giá trị thực của hành động của họ… đối chiếu với cái mặt trái tai hại mà mỗi hành động, mỗi biện pháp đều phải có». Chính đó là cái phân biệt thí nghiệm thất bại của Mơ-ven Ma-xơ và Ren Bô-dơ với thí nghiệm của Bét Lon.

Việc khoa học ngày càng xâm nhập vào mọi lãnh vực của đời sống và có vai trò ngày càng lớn trong sinh hoạt xã hội đôi khi cũng đẻ ra một số hiện tượng tiêu cực: khuynh chỉ biết có kỹ thuật, đề cao sự chuyên môn hóa một chiều mà coi rẻ những mặt khác của đời sống tinh thần phông phú của con người, coi rẻ thế giới tình cảm muôn màu muôn vẻ, những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế trong sự cảm thụ cái đẹp. Điều đó dẫn tới chỗ «vương quốc của lô-gích» đè bẹp «nền văn hóa của tình yêu» mà chính là nhờ có «văn hóa của tình yêu» mà con người đứng cao hơn loài vật. Khi thế giới cảm xúc, khả năng thẩm mỹ của con người bị chèn lấn thì điều đó ảnh hưởng xấu ngay đến những khả năng trí tuệ của con người, mặt khác nó dẫn đến sự còi cọc, sự quái gở về mặt đạo đức.

Dường như để tranh luận với khuynh hướng thực dụng thô thiển, với khuynh hướng kỹ thuật một chiều, trong tác phẩm này, nhà văn luôn đề cao bản chất giàu cảm xúc của các nhân vật, nêu bật lên những vấn đề đạo đức — thẩm mỹ của sự phát triển cá tính, của văn hóa, sự gắn bó của con người với các thế kỷ trước, với thiên nhiên sinh động. Ông khẳng định nhân loại trước hết là lịch sử của sự phát triển cá tính có đạo đức lành mạnh, ông khẳng định cái đẹp là tiêu chuẩn đáng tin cậy nhất của sự tiến hóa, vì cái đẹp chính là cái hợp lý, là biểu hiện của sự hoàn mỹ. Cái đẹp không phải là một mặt riêng biệt của sự sống, mà là cơ sở phát triển của nó. Trong một buổi nhận thông điệp từ vũ trụ, trước những cơ thể đầy vẻ đẹp hoàn mỹ của người trên hành tinh của sao Đỗ-quyên, Đa-rơ Vê-te suy nghĩ: «Con đường tiến hóa mù quáng của động vật để trở thành sinh vật biết suy nghĩ càng khó khăn và lâu dài, thì các hình thức cao nhất của sự sống càng hợp lý và hoàn hảo, tức là càng đẹp… Từ lâu, người Trái đất đã biểu hiện vẻ đẹp chính là tính hợp lý của cấu tạo, của sự thích ứng với với một chức năng nhất định. Chức năng càng nhiều mặt thì hình thức càng đẹp…». Và anh kết luận là họ đẹp hơn người Trái đất, vì họ đã qua con đường con đường phát triển phức tạp hơn chúng ta».