Выбрать главу

«Vậy cái gì đã khiến những máy móc tinh vi dường ấy không cứu nổi «An-gráp»? — Nhi-da suy nghĩ, cô đã trấn tĩnh được — chắc nó bị hư hại vì va phải một thiên thạch. Éc-gơ No-rơ nói rằng cho đến nay, số con tàu vũ trụ bị hủy hoại vì các thiên thạch chiếm tỷ lệ 1/10, mặc dù đã phát minh ra những máy định vị cực nhạy như khí cụ Vô-lơ Hô-đơ và những lớp vỏ bảo vệ có năng lượng làm cho những thiên thạch nhỏ đến gần con tàu sẽ bị hất trở lại. Tai nạn của «An-gráp» đặt chính bản thân đoàn thám hiểm vào một tình thế nguy ngập, khi mọi việc dường như đã được suy tính và dự liệu chu đáo. Cô gái nhớ lại tất cả những gì xảy ra từ lúc con tàu cất cánh.

Đoàn thám hiểm vũ trụ số ba mươi bảy đi tới hệ thống hành tinh của ngôi sao gần nhất trong chòm sao Xà-phu. Hành tinh duy nhất có người ở của chòm sao này là Diếc-đa nói chuyện với Trái đất và các thế giới khác trong Vành khuyên vĩ đại từ lâu. Bất đồ nó im tiếng.

Hơn bảy mươi năm không có tin tức gì cả. Trái đất là hành tinh gần Diếc-đa nhất trong hệ Vành-khuyên, nhiệm vụ của Trái đất là tìm hiểu xem đã xảy ra chuyện gì. Vì vậy, con tàu thám hiểm mang theo nhiều dụng cụ và một số nhà bác học xuất sắc mà hệ thần kinh của họ, sau vô số lần thử thách, đã tỏ ra có khả năng chịu đựng nhiều năm bị giam hãm trong con tàu vũ trụ. Dự trữ chất đốt cho các động cơ là a-na-mê-dôn, chất có liên hệ mê-dôn bị phá hủy trong hạt nhân nguyên tử, có tốc độ chảy thoát bằng tốc độ ánh sáng; chất đốt này chỉ được lấy vừa đủ, không phải vì a-na-mê-dôn có trọng lượng lớn, mà vì các thùng chứa quá cồng kềnh. Người ta dự tính sẽ lấy thêm a-na-mê-dôn trên hành tinh Diếc-đa. Nếu trên hành tinh đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng thì con tàu vũ trụ loại hai «An-gráp» phải gặp «Tan-tơ-ra» ở quỹ đạo của hành tinh K2-2H-88.

Vốn thính tai, Nhi-da nhận ra sự thay đổi âm điều chỉnh trường hấp dẫn nhân tạo. Những chiếc đĩa của ba khí cụ ở mé bên phải nhấp nháy không đều, máy thăm dò điện tử ở thành tàu bên phải đã bắt đầu hoạt động. Một miếng nhỏ lấp lánh, có góc cạnh, xuất hiện trên màn ảnh bừng sáng. Nó chuyển động như quả đạn đại bác, hướng thẳng vào «Tan-tơ-ra», như vậy là nó còn ở rất xa. Đấy là một mảnh vật chất khổng lồ, rất ít khi gặp trong không gian vũ trụ, và Nhi-da vội xác định thể tích, khối lượng, tốc độ và hướng bay của nó. Chỉ khi cuộn dây tự động của máy ghi kêu tách một tiếng, Nhi-da mới trở về với những hồi ức của mình.

Trong số những hồi ức ấy, ấn tượng sâu sắc nhất là vầng mặt trời đỏ như máu đột nhiên xuất hiện trong thị trường của các màn ảnh vào những tháng cuối cùng của năm thứ tư của cuộc hành trình. Năm thứ tư đối với tất cả những người ở trong con tàu bay với 5/6 đơn vị tuyệt đối, tức là 5/6 tốc độ ánh sáng. Trên Trái đất thì thời gian trôi qua đã được ngót bảy năm gọi là năm độc lập.

Trên màn ảnh có những tấm lọc bảo vệ mắt người, chúng làm thay đổi màu sắc và cường độ của tia xuất phát từ bất cứ thiên thể nào, khiến cho thiên thể đó nom như được nhìn qua lớp khí quyển dày của Trái đất với những lớp bảo vệ bằng ô-dôn và hơi nước: ánh sáng tím huyền ảo, không lời nào tả được của các thiên thể phát sáng có nhiệt độ cao biến thành màu thiên thanh hay màu trắng, những ngôi sao xám hồng cau có thể trở thành những ngôi sao vàng ánh tươi vui, giống như mặt trời của chúng ta. Ở đây, ngôi sao rừng rực ngọn lửa thắm hồng hân hoan lại ngả sang màu máu đậm (người quan sát trên Trái đất đã quen nhìn thấy những ngôi sao thuộc lớp quang phổ[6] M5 có màu máu như thế). Hành tinh này ở gần mặt trời của nó hơn Trái đất chúng ta ở gần mặt trời của mình. Tới gần Diếc-đa thì mặt trời của hành tinh này biến thành cái đĩa khổng lồ, đỏ thắm phóng ra vô số tia nhiệt.

Hai tháng trước khi tới gần Diếc-đa, «Tan-tơ-ra» bắt đầu thử liên hệ với Trạm ngoài của hành tinh. Ở đây chỉ có một trạm đặt trên một vệ tinh thiên nhiên nhỏ, không có khí quyển, gần Diếc-đa hơn là Mặt trăng gần Trái đất.

«Tan-tơ-ra» tiếp tục gọi, ngay cả khi nó chỉ còn cách hành tinh ba mươi triệu ki-lô-mét và tốc độ ghê gớm của nó đã giảm xuống tới ba nghìn ki-lô-mét một giây. Nhi-da trực, nhưng cả đội du hành cũng thức, ngồi chờ trước các màn ảnh ở Trung tâm điều khiển.

Nhi-da gọi, luôn luôn tăng công suất phát và phóng ra những tia xòe hình nan quạt.

Cuối cùng, họ nhìn thấy một chấm sáng lấp lánh nhỏ xíu: đó là hình vệ tinh. Con tàu bắt đầu bắt đầu vạch một quỹ đạo xung quanh hành tinh, đến gần nó theo đường xoáy ốc và dần dần làm cho tốc độ của mình bằng tốc độ của vệ tinh. «Tan-tơ-ra» và vệ tinh dường như móc nối với nhau bằng sợi cáp vô hình, và con tàu lơ lửng phía trên cái hành tinh bé đang bay nhanh theo quỹ đạo của mình. Bây giờ các viễn kính điện tử nổi hình của con tàu đang thăm dò bề mặt vệ tinh. Đột nhiên, trước mắt đoàn thám hiểm của «Tan-tơ-ra» hiện ra một cảnh tượng không sao quên được.

Một tòa nhà khổng lồ bằng kính rực sáng dưới ánh mặt trời đỏ như máu. Ngay dưới mái bằng của tòa nhà, có một gian giống như phòng họp cực lớn. Ở đấy có vô số sinh vật đờ ra, không nhúc nhích. Họ không giống người Trái đất, nhưng chắc chắn là người. Nhà thiên văn học Hít-xơ tiếp tục điều chỉnh tiêu điểm ống kính, lòng hồi hộp lo lắng. Anh mới bay vào vũ trụ lần đầu, ngay trước khi con tàu khởi hành, để thay thế cho một nhân viên từng trải.

Những hàng người mờ mờ dưới kính vẫn không nhúc nhích. Pua Hít-xơ tăng độ phóng đại.

Đã nhìn thấy một cái bệ cao, xung quanh là những khí cụ điều khiển, một cái bàn dài trên có một người ngồi xếp bằng tròn trước mặt cử tọa, cặp mắt đáng sợ phóng ra một cái nhìn điên dại xa vời.

— Họ chết rồi, chết cóng! — Éc-gơ No-rơ kêu lên.

Con tàu tiếp tục lơ lửng ở phía trên vệ tinh của Diếc-đa, và mười bốn cặp mắt nhìn chằm chằm vào nấm mồ bằng kính: đây thực sự là nấm mồ. Những tử thi ấy ngồi đây đã bao nhiêu năm rồi. Hành tinh im tiếng đã bảy mươi năm, nếu cộng thêm sáu năm bay của tia sáng thì là ba phần tư thế kỷ…

Mọi con mắt đổ dồn vào trưởng đoàn. Éc-gơ No-rơ mặt tái nhợt, đăm đăm nhìn lớp khí quyển vàng nhạt như một màn khói mỏng bao quanh hành tinh. Qua màn khói mỏng ấy mờ mờ hiện ra những vệt núi, những làn biển lấp lánh, nhưng không có gì cung cấp cho họ câu trả lời mà họ đang tìm kiếm trong chuyến bay đến đây.

вернуться

6

Lớp quang phổ (của ngôi sao) — các lớp quang phổ sao được ký hiệu theo thứ tự bằng các chữ O, B, A, F, G, K, M từ những ngôi sao xanh rất nóng có nhiệt độ bề mặt 100 000 °C đến ngôi sao đỏ có nhiệt độ bề mặt 3 000 °C. Mỗi lớp có mười bậc ký hiệu bằng số ví dụ A7. Những lớp sao đặc biệt N, P, R, S là sao mà quang phổ của chúng cho thấy có nhiều các-bon, xy-a-nô-gien, ti-tan, zic-cô-ni.